Thứ Năm, 25 Tháng Tư, 2024
Trang chủKiến thức đời sốngDinh dưỡngTìm hiểu về calo trong bánh trung thu để tránh tăng cân khi ăn

Tìm hiểu về calo trong bánh trung thu để tránh tăng cân khi ăn

Lượng calo cao trong bánh trung thu là vấn đề nghiêm trọng có thể gây tăng cân nếu bạn ăn quá nhiều. Tuy nhỏ, nhưng nó cung cấp rất nhiều năng lượng, tương đương một suất ăn trong bữa chính. Vì vậy, bạn nên kiểm soát số lượng tiêu thụ bánh trung thu để tránh tăng cân nhé!

Tổng quan về bánh trung thu

Calo trong bánh trung thu là vấn đề gây tăng cân. Cần quan tâm số lượng để ngăn chặn mắc các bệnh mãn tính, thừa cân, béo phì.

Vỏ bánh trung thu chủ yếu làm bằng bột mì hoặc bột gạo, bột gạo nếp, do đó sẽ cho ra loại bánh nướng hay bánh dẻo. Bên trong phần nhân có thể bao gồm đậu xanh, xá xíu, trứng muối, hạt sen, hạt dưa,… Về thành phần dinh dưỡng, bánh chủ yếu gồm tinh bột, đường, chất béo. Do đó bánh cung cấp rất nhiều năng lượng cho cơ thể.

Năng lượng của một số loại bánh trung thu:[1]

  • 1 bánh dẻo nhân thập cẩm khoảng 170g: cung cấp 566 Kcal; 16,3g đạm; 6,6g lipid; 110,2g glucid
  • 1 bánh dẻo 1 trứng đậu xanh khoảng 176g: cung cấp 648 Kcal
  • 1 bánh nướng 176g thập cẩm: cung cấp 706 Kcal; 18g đạm; 31,5g lipid và 87,5g glucid
  • 1 bánh nướng đậu xanh 1 trứng 176g: cung cấp 648 Kcal; 19,5g protid; 27,5g lipid; 80,6g glucid

So sánh năng lượng giữa bánh trung thu và một số món ăn khác:[2]

  • 1 bánh nướng hạt sen (715calo) tương đương 5 đùi gà rán (600calo)
  • 1 bánh dẻo hạt sen (983calo) tương đương 3 lát pizza (900calo)
  • 1 bánh nướng hạt sen 1 trứng (788calo) tương đương 1 đĩa mì xào hải sản (741calo)
  • 1 bánh nướng hạt sen 2 trứng (860calo) tương đương 2 suất cơm (800calo)
  • 1 bánh nướng đậu đỏ (825calo) tương đương 2 kem phủ chocolate (660calo)

Giá trị dinh dưỡng trong bánh

Theo thông tin từ Viện dinh dưỡng, 1 chiếc bánh dẻo hay bánh nướng chứa hàm lượng đường bột tương đương 2 – 3 bát cơm. Đường bột (hấp thu nhanh và hấp thu chậm) đều là chất cung cấp năng lượng chủ yếu cho cơ thể hoạt động hàng ngày. Phần lớn loại đường bột hấp thu nhanh chứa rất nhiều trong một chiếc bánh trung thu.

Glucid hấp thu nhanh thường có nhiều trong các sản phẩm bánh kẹo, nước ngọt có ga, các loại nước trái cây,… Do các sản phẩm đó chứa rất nhiều các loại đường như saccharose, fructose,… nên cường độ vị ngọt rất cao. Vì thế, loại đường này được khuyến nghị chỉ nên sử dụng với liều lượng ở mức tối thiểu nhất trong chế độ ăn uống hàng ngày. Người bị hạ đường huyết có thể ăn một miếng nhỏ để tăng lại lượng đường trong cơ thể ngay lập tức, nhưng không thích hợp cho người thừa cân, béo phì và đái tháo đường.

Phần lớn chất béo trong bánh đến từ thịt mỡ. Loại chất béo no này sẽ gây hại đến sức khoẻ cơ thể. Nó có tác động làm tăng lượng cholesterol xấu, dẫn đến có hại cho các bệnh nhân về tim mạch.

Lượng đạm động vật trong bánh nướng khá cao. Nếu chúng ta bảo quản không tốt, dẫn đến bánh dễ bị ôi, mốc gây ngộ độc thực phẩm. Vì thế, hầu hết hạn sử dụng của bánh nướng là rất thấp, khoảng vài ngày đối với xưởng sản xuất tư nhân, 1 – 1,5 tháng đối với cơ sở sản xuất, doanh nghiệp lớn.

Những lưu ý khi ăn để tránh gây hại đến sức khoẻ

1. Chú ý năng lượng

Do hàm lượng chất béo, đạm động vật, đường bột cao có trong bánh, nên cần hạn chế ăn nó quá nhiều. Mỗi người sẽ có nhu cầu năng lượng trong một ngày là khác nhau. Việc tiêu thụ quá nhiều còn gây ra bệnh béo phì, tăng cân. Đặc biệt, đối với trẻ em béo phì hay người mắc bệnh về tim mạch, tiểu đường và béo phì nên ăn ít. Lưu ý, những người có chỉ số đường huyết cao, hay mắc bệnh tiểu đường nặng, không nên ăn bánh.

Calo trong bánh trung thu là vấn đề gây tăng cân. Cần quan tâm số lượng để ngăn chặn mắc các bệnh mãn tính, thừa cân, béo phì.

Việc ăn bánh trung thu nhiều trước bữa ăn sẽ khiến chúng ta no, đầy bụng, dẫn đến có thể bỏ bữa. Bởi vì, với 1 chiếc bánh trung thu cung cấp rất nhiều calo cho cơ thể chúng ta. Theo Viện dinh dưỡng khuyến nghị:

  • Trẻ em chỉ nên ăn ⅛ chiếc bánh sau bữa chính.
  • Nếu ăn ½ chiếc bánh dẻo hoặc bánh nướng, cần giảm bớt 1 chén cơm và lượng thức ăn trong khẩu phần ăn.
  • Tăng lượng rau xanh.
  • Tăng cường vận động (chạy bộ, nhảy dây, hít đất,…).

2. Luôn vận động thể lực

Theo tháp dinh dưỡng khuyến nghị, bạn nên kết hợp vận động thể lực hàng ngày. Việc tập thể dục không chỉ hỗ trợ giảm cân mà còn cải thiện tình trạng sức khoẻ. Calo trong bánh trung thu rất cao, do đó cần vận động để tiêu tốn lượng năng lượng đã nạp vào trong cơ thể. Từ đó, cơ thể sẽ không tăng cân và hạn chế mắc các bệnh mãn tính khác.

3. Không ăn vào buổi tối, khuya

Hàm lượng chất béo, chất đường bột chiếm chủ yếu trong bánh trung thu. Do đó, ăn bánh trước giờ đi ngủ sẽ gây khó tiêu, dẫn đến đầy bụng, ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn.

Tài liệu tham khảo
[1] Bánh trung thu-góc nhìn về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm (Viện dinh dưỡng)
[2] Làm việc nhà 150 phút mới đốt hết calo trong 1 chiếc bánh trung thu (Báo Dân trí)

Vy Đặng

Ý KIẾN CỦA BẠN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây
Captcha verification failed!
CAPTCHA user score failed. Please contact us!

Cộng đồng Công nghệ Thực phẩm Việt Nam

BÀI VIẾT MỚI