Thứ Tư, 11 Tháng Chín, 2024
Trang chủKiến thức đời sốngDinh dưỡngGiá trị thực của bánh trung thu giá "khủng"

Giá trị thực của bánh trung thu giá “khủng”

Mùa Trung thu lại đến, lại đến mùa làm ăn của các công ty, cơ sở sản xuất bánh trung thu. Bởi dịp này nhiều người muốn thể hiện sự tri ân, kết nối làm ăn… bằng việc mua những chiếc bánh thật đắt tiền.

Năm nào cũng vậy, thị trường cũng xôn xao bởi những loại bánh trung trung cao cấp giá “khủng”. Có những chiếc bánh bằng cả tháng lương của người lao động, khoảng 3 triệu đồng. Vậy, những chiếc bánh này có thực sự được sản xuất từ những nguyên liệu bổ dưỡng, quý hiểm hay không mà giá lại đắt như vậy?

Đánh vào tâm lý thích sang, lạ của người tiêu dùng, các loại bánh trung thu được các nhà sản xuất quảng cáo làm từ những loại nguyên vật liệu rất đắt đỏ, bổ dưỡng như tổ yến, vi cá, bào ngư, trứng cá hồi, hải sâm, hạnh nhân… Còn thực tế trong bánh có các thành phần này hay không và tỷ lệ là bao nhiêu thì chỉ nhà sản xuất mới biết. Lâu nay, các cơ quan chức năng ít khi “sờ” đến các loại bánh này, còn người tiêu dùng thì chỉ “lờ mờ” về thành phần, chất lượng. Người tiêu dùng chỉ biết tự an ủi rằng, bánh đắt tiền thì chắc là yên tâm. Một điều dễ thấy là hình thức những chiếc bánh này rất bắt mắt, cầm nó trên tay chỉ muốn cất đi chứ không ai muốn ăn, vì nó đẹp quá, lung linh quá.

Năm nay, dòng cao cấp dùng biếu tặng thường có giá từ 1 triệu đồng trở lên. Theo tính toán, thì chi phí quảng cáo, marketing, chi phí cố định… chiếm gần 50% giá bán. Giá thành cao nhất dành cho vỏ hộp ở dòng bánh cao cấp chiếm tỉ lệ 30%-40%. Như vậy, giá thực của chiếc bánh trung thu cao cấp chỉ chiếm khoảng 20% giá bán.

Giá trị thực của bánh trung thu giá "khủng"

Vậy người tiêu dùng đang bỏ tiền ra mua bánh hay mua vỏ bao bì bánh trung thu? Rõ ràng là họ đã bỏ tiền ra mua bao bì nhiều hơn. Nhưng vì là hàng biếu, hàng tặng nên phải đẹp, phải lịch sự. Cầm trên tay nhiều hộp bánh mới thấy rõ sự chuộng hình thức ghê gớm, nhiều tầng, nhiều lớp vỏ bọc… nhấc mãi, bóc mãi mới tới chiếc bánh nằm khiêm tốn bên trong. Xem ra, đã nhiều thứ chúng ta bỏ được hình thức, lãng phí nhưng với chiếc bánh trung thu cổ truyền thì vẫn quá nặng nề, gây lãng phí quá lớn. Bỏ tiền ra mua chiếc bánh như vậy như “dao cứa vào ruột” nhưng vì quan hệ làm ăn, vì sự tôn trọng người khác… mà vẫn cắn răng mua.

Còn với những người được nhận quà thì sao? Có lẽ nhiều người không thích bánh trung thu vì nó không hợp khẩu vị, cộng với việc nhiều người còn phải ăn uống kiêng khem nữa. Nhưng nếu không nhận thì đối tác lại không hài lòng, không vui. Nhận về thì chẳng sử dụng được, cho đi thì tiếc. Nhiều người giữ tiếng cho mình còn chẳng dám cho ai, đến khi hết mùa lại lẳng lặng cho vào thùng rác!? Lãng phí này ai cũng thấy nhưng để “vừa lòng nhau” nên cứ phải mua sắm, biếu xén mà không cần quan tâm tới giá trị sử dụng của đồ biếu tặng.

Còn nhớ, có một thời chúng ta rất chuộng các loại giỏ quà biếu tặng vào dịp lễ tết. Sau này, mọi người mới thấy những thứ trong giỏ quà ấy trông thì đẹp đấy nhưng giá trị sử dụng không cao. Dần dần, cái lệ mang giỏ quà đi biếu cũng loãng đi và có lẽ ở nhiều thành phố lớn trào lưu này đã được loại bỏ.

Nhìn chung, làm kinh doanh thì tất cả đều đánh vào thị hiếu của người tiêu dùng. Người sản xuất, kinh doanh cứ khuếch trương, tô vẽ cho sản phẩm của mình để tâng giá trị của sản phẩm lên tận mây xanh. Còn người tiêu dùng, nếu không tỉnh táo chắc chắn sẽ bị họ làm cho mê mẩn và chỉ chết túi tiền. Nếu biết rằng, cầm hộp bánh cả triệu kia để đi biếu đối tác, những người quan trọng nhưng thực tế giá trị chiếc bánh chỉ vài trăm nghìn thì liệu họ có mua không? Vẫn mua, vì nhìn nó đẹp, mang đi nó “oách”…

Tâm lý của người mua bánh để biếu tặng cũng muốn mua loại nào thật đắt tiền thì mới yên tâm và thể hiện sự kính trọng. Thế nhưng, họ mua rồi “đẩy” đi luôn chứ có biết số tiền mình bỏ ra có mua được sản phẩm xứng đáng hay không. Có khi, những người bỏ tiền mua những chiếc bánh đắt tiền kia cũng chưa bao giờ thưởng thức một miếng bánh như vậy, bởi vì nhiều lý do, trong đó có thể họ cũng chẳng thích.

Quà biếu, quà tặng ai cũng muốn sang, đẹp nhưng giá cả phải ở mức như thế nào để có thể chấp nhận được. Chừng nào còn bệnh hình thức thì chừng đó vẫn còn chỗ cho những chiếc bánh “10 nghìn tiền lá, 1 nghìn xôi”. Đó là những chiếc bánh được bài trí cầu kỳ bằng giấy, bìa cacton, còn chất lượng thì cũng chỉ “thường thường bậc trung”. Chúng ta đang bỏ tiền thật, rất nhiều tiền thật để mua những giá trị ảo và rồi cuối cùng chỉ béo các nhà buôn.

Theo Bizlive.vn

Ý KIẾN CỦA BẠN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây
Captcha verification failed!
CAPTCHA user score failed. Please contact us!

BÀI VIẾT MỚI