Thứ Bảy, 20 Tháng Tư, 2024
Trang chủKiến thức chuyên ngànhThành phần dinh dưỡng của quả mít - loại quả nhiệt đới đặc trưng

Thành phần dinh dưỡng của quả mít – loại quả nhiệt đới đặc trưng

Mít là một loại trái cây cực kì quen thuộc với chúng ta, tuy nhiên ít ai biết rằng chúng chứa những thành phần dinh dưỡng vô cùng có lợi và nhiều tiềm năng to lớn chưa được khám phá hết. Đặc biệt là trong những năm gần đây, ngành công nghiệp thực phẩm và người tiêu dùng luôn hướng đến các sản phẩm mới lạ và chứa các hoạt chất sinh học tốt cho sức khỏe.

Mít là một loại trái cây cực kì quen thuộc với chúng ta, tuy nhiên ít ai biết rằng chúng chứa những thành phần dinh dưỡng vô cùng có lợi
Quả mít

Giới thiệu chung

Mít (Tên khoa học: Artocarpus heterophyllus) là một loại trái cây nhiệt đới thuộc họ Moraceae, được trồng nhiều ở Ấn Độ, Bangladesh và các nước Đông Nam Á như Việt Nam. Nó là một loại cây đã được trồng từ rất lâu đời để làm cây ăn quả, ngoài ra còn là nguồn cung cấp lương thực cho người dân và gia súc khi thức ăn bị thiếu hụt.

Có 2 loại mít chính, một loại mềm nhão, nhỏ, nhiều xơ, thường được gọi là mít tố nữ, một loại giòn, bề mặt khô và cứng hơn, ít ngọt hơn như mít thái, mít nghệ,… Ngoài dùng để ăn tươi như trái cây, các bộ phận khác của mít còn có rất nhiều ứng dụng. Hạt mít có thể được luộc hoặc rang để ăn vì rất giàu tinh bột. Hạt mít còn có thể làm thành bột hạt mít, bằng cách rang hạt sau đó sấy khô rồi nghiền thành bột, thường được trộn chung với bột mì. Mít còn có thể dùng trong nấu ăn như một loại rau quả để làm các món canh, súp, xào, salad,… Mít được chế biến thành thức ăn cho trẻ em, nước trái cây, mứt, thạch, rượu trái cây, kem,… hoặc dùng để sản xuất mít đóng hộp, mít sấy, mít chiên chân không.

Mít là một loại trái cây cực kì quen thuộc với chúng ta, tuy nhiên ít ai biết rằng chúng chứa những thành phần dinh dưỡng vô cùng có lợi
Sản phẩm mít chiên chân không đẹp mắt, dinh dưỡng

Thành phần hóa học và giá trị dinh dưỡng của mít

Thành phần hóa học của mít thay đổi khác nhau tùy theo giống. Khi so sánh với các trái cây nhiệt đới khác, mít chứa nhiều protein, canxi, sắt và thiamine hơn. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng mít chín giàu một số khoáng chất và vitamin hơn so với táo, bơ, chuối và mơ. Ngoài ra, hàm lượng calories trong mít khá thấp, 100g mít chỉ chứa 94 calories. Mít còn là một nguồn giàu kali vì chứa tới 303mg trong 100g mít.

Bảng 1. Thành phần dinh dưỡng của mít (tính trên 100g ăn được)

Thành phần Trái xanh Trái chín
Nước (g) 76.2 – 85.2 72.0 – 94.0
Protein (g) 2.0 – 2.6 1.2 – 1.9
Chất béo (g) 0.1 – 0.6 0.1 – 0.4
Carbohydrate (g) 9.4 – 11.5 16.0 – 25.4
Chất xơ (g) 2.6 – 3.6 1.0 – 1.5
Đường (g) 20.6
Chất khoáng (g) 0.9 0.87 – 0.9
Canxi (mg) 30.0 – 73.2 20.0 – 37.0
Magie (mg) 27.0
Phốt pho (mg) 20.0 – 57.2 38.0 – 41.0
Kali (mg) 287 – 323 191 – 407
Natri (mg) 3.0 – 35.0 2.0 – 41.0
Sắt (mg) 0.4 – 1.9 0.5 – 1.1
Vitamin A (IU) 30 175 – 540
Thiamine (mg) 0.05 – 0.15 0.03 – 0.09
Riboflavin (mg) 0.05 – 0.2 0.05 – 0.4
Vitamin C (mg) 12.0 – 14.0 7.0 – 10.0
Năng lượng (KJ) 50 – 210 88 – 410

Một lợi ích khác của mít đó là cung cấp vitamin C cho cơ thể, vì con người không thể tạo ra vitamin C mà phải nạp vào từ bên ngoài. Vitamin C là một chất chống oxy hóa quan trọng, với khả năng trung hòa các gốc tự do, giảm thiểu nguy cơ ung thư và tăng cường hệ thống miễn dịch cho cơ thể. Trong mít còn chứa niacin hay còn gọi là vitamin B3, rất cần thiết cho quá trình chuyển hóa năng lượng, chức năng thần kinh và tổng hợp một số hormone. Lượng niacin được khuyến nghị hằng ngày là 16mg đối với nam giới và 14mg đối với nữ giới, trong khi đó chỉ 100g mít đã cung cấp tới 4mg niacin cho cơ thể.

Ngoài ra mít còn chứa các phytonutrients như lignans, isoflavones, saponin. Các phytonutrients là các hợp chất tự nhiên do thực vật tạo ra, chúng thường có hoạt tính sinh học và đóng vai trò là hệ thống miễn dịch của thực vật. Chúng giúp ngăn ngừa ung thư, chống lão hóa và mang lại nhiều lợi ích khác cho sức khỏe. Ví dụ như isoflavones và lignans là các tiền chất của phytoestrogen, có các tác dụng sinh lý và cải thiện các triệu chứng thiếu hụt estrogen ở nữ giới.

Mít là một loại trái cây cực kì quen thuộc với chúng ta, tuy nhiên ít ai biết rằng chúng chứa những thành phần dinh dưỡng vô cùng có lợi

Trong thịt quả mít, tổng hàm lượng các hợp chất phenolic là 0.36 mg GAE / 100 g DW (mg acid gallic tương đương / g khối lượng khô). Các phenolic tự nhiên có thể bao gồm các phân tử đơn giản (như acid phenolic, phenylpropanoid, flavonoid) cho đến các hợp chất polyme hóa cao (như lignin, melanins, tannin), với flavonoid đại diện cho phân nhóm phổ biến và phân bố rộng rãi nhất. Các hợp chất phenolic là nguồn chính của các hợp chất có hoạt tính sinh học có lợi cho sức khỏe ở mít.

Một nhóm chất chống oxy hóa quan trọng khác đó là các sắc tố màu tự nhiên, mà điển hình ở mít là carotenoid. Thành phần carotenoid nhiều nhất ở mít là β-carotene – tiền chất của vitamin A, có tác dụng ngăn ngừa một số bệnh thoái hóa mãn tính, ung thư, tim mạch, bảo vệ niêm mạc mắt, tăng cường miễn dịch cho cơ thể. Ngoài ra, hàm lượng carotenen sẽ tăng dần trong quá chín của mít.

Bảng 2. Hàm lượng của một số carotenoid trong mít (µg/100g khối lượng tươi)

Thành phần Hàm lượng
All-trans-neoxanthin 8.85
9-cis-Neoxanthin 6.87
All-trans-neochrome 0.88
All-trans-luteoxanthin 2.06
cis-Antheraxanthin 1.12
9-cis-Violaxanthin 7.05
cis-Luteoxanthin 0.34
All-trans-lutein 37.02
All-trans-zeaxanthin 0.96
All-trans-zeinoxanthin 1.72
cis-Zeinoxanthin 0.90
All-trans-α-cryptoxanthin 0.35
All-trans-β-cryptoxanthin 1.21
15-cis-β-Carotene 0.18
13-cis-β-Carotene 2.45
All-trans-α-carotene 1.24
All-trans-β-carotene 29.55
9-cis-β-Carotene 0.79
Tổng carotenoids 107.98
Giá trị vitamin A 2.84

Giờ đây chắc hẳn các bạn cũng đã biết được giá trị dinh dưỡng cực kì to lớn của mít rồi. Việc gia tăng tiêu thụ mít trong những năm gần đây đã chứng tỏ được rằng mít đang dần được ưa chuộng vì có giá trị dinh dưỡng cao và mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy việc sử dụng mít thường xuyên trong chế độ ăn uống có thể giúp cải thiện một số tình trạng bệnh như viêm loét dạ dày và tim mạch, ngăn ngừa sự phát triển của một số loại ung thư, bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh về miệng và da. Đặc biệt là rất hiếm xảy ra các tác dụng phụ cho sức khỏe. Ứng dụng của mít cũng rất đa dạng, các bạn hãy tiếp tục theo dõi qua các bài viết tiếp theo về mít nhé!

Tài liệu tham khảo

[1] S. B. Swami et al. “Jackfruit and its many functional components as related to human health: A review,” Comprehensive Review in Food Science and Food Safety. Vol. 11, issue 6. Oct. 2012.
[2] R. A. S. N. Ranasinghe et al. “Nutritional and Health Benefits of Jackfruit (Artocarpus heterophyllus Lam.): A Review,” International Journal of Food Science. Vol. 2019, 2019.

Trúc Quyên RD VNO

Ý KIẾN CỦA BẠN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây
Captcha verification failed!
CAPTCHA user score failed. Please contact us!

Cộng đồng Công nghệ Thực phẩm Việt Nam

BÀI VIẾT MỚI