Thứ hai, 9 Tháng mười hai, 2024
Trang chủKiến thức đời sốngDinh dưỡngTìm hiểu về quả Mít và các ứng dụng trong đời sống, công nghiệp

Tìm hiểu về quả Mít và các ứng dụng trong đời sống, công nghiệp

Quả mít (tên tiếng Anh: Jackfruit) với rất nhiều ứng dụng trong công nghệ thực phẩm, đây cũng là một loại trái mang lại giá trị kinh tế cao cho người trồng, đặc biệt là trong những năm gần đây.

Đây là một loại trái cây hấp dẫn
Đây là một loại trái cây hấp dẫn

Đặc điểm

Cây mít nói chung là một loại cây nhiệt đới, trồng nhiều ở Đông Nam Á và Brazil, là loại cây thâm gỗ nhỡ thuộc họ Dâu tằm (Moraceae), cao từ 8 đến hơn 20m. Cây ra quả đầu tiên sau 2 đến 3 năm tuổi và quả của nó là loại quả phức, ăn được (hiện nay có nhiều giống mít siêu sớm, ra quả sau chỉ sau chưa đầy một năm trồng). Mít được coi là loại cây ăn trái với quả chín lớn nhất lớn trong các loài thân gỗ. Trái mít khá lớn hình bầu dục, kích thước 30 đến 60cm x 20 đến 30 cm với vỏ sù sì, có gai nhỏ. Mít ra quả vào khoảng giữa mùa xuân và chín vào cuối mùa hè (tháng 7 – 8).

Hiện nay ở Việt Nam phổ biến các giống mít sau:

Mít ta (mít cổ truyền): Giống mít này được trồng phổ biến, lâu đời ở các tỉnh thành nước ta. Cây cao, búp và lá non không có lông, trái to, vài ba kg đến 10 – 20 kg. Một trái mít cổ truyền trung bình chỉ cho được khoảng 28 – 30% là múi thịt.

Mít nghệ: Giống mít nghệ cao sản là giống chịu khô hạn tốt, chống được giông bão, trái to, múi thơm, giòn, ngọt. Trái thích hợp ăn tươi hoặc chế biến các sản phẩm xuất khẩu. Ngoài ra có thể sử dụng làm thức ăn chăn nuôi và lấy gỗ… Đây là giống dễ trồng, ít công chăm sóc, ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cho năng suất cao.

Là loài cây trồng lâu năm, rất sai trái.
Là loài cây trồng lâu năm, rất sai trái.

Mít tố nữ: Cây mít tố nữ cao đến gần 20m và có thể cho trái 2 lần mỗi năm, sau 3 đến 5 tuổi. Cây rất sai và có thể đến hàng trăm trái. Mít tố nữ không khác các loại mít khác nhiều nhưng trên lá và trên ngọn non có những lông màu nâu dựng đứng. Vỏ trái có xơ dính liền có thể bổ bằng một nhát dao dọc, rồi tách múi khỏi vỏ dễ dàng, múi thường dính vào lõi. Trái mít tố nữ dạng hình trứng dài, kích thước chiều dài khoảng 20 đến 50 cm, bề ngang khoảng 10 đến 17 cm, trọng lượng từ 1 đến 6 kg nhưng thông thường dưới 2 kg. Múi mít màu xanh, vàng hoặc cam, bên trong có hạt lớn. Mùi vị mít tố nữ giống mít ướt pha với mùi sầu riêng. Vỏ mít dầy, dẻo với gai dẹp, tiết diện hình lục giác, tương tự vỏ mít ướt.

Mít Thái Changai (hay còn gọi là mít siêu sớm): Thời gian sinh trưởng ngắn, cây mọc khỏe, phát triển nhanh, lá to bóng, rất sai quả, cho thu hoạch nhanh, năng suất cao đặc biệt cây trồng phù hợp với vùng đất đồi. Cây có thể cao 20m, lá dài, rộng, mọc cách, bìa lá thẳng. Hoa chùm, là cây đơn tính đồng chu, cuống to, không cánh, dính vào nhau thành cụm hoa kép. Mít Thái thích hợp với khí hậu nóng ẩm, chịu được hạn, nhưng không chịu được ngập úng. thích ứng với nhiều loại đất: đất đỏ Bazan, phù sa, đất xám…Ở những vùng không có rét, mít Thái cho quả từ 8 – 12 tháng sau khi trồng, quả nặng từ 6 – 12 kg, cá biệt có quả tới 15 kg. Cây ra quả quanh năm, trên cùng một cây có quả chín, có quả đang ra. Múi mít thái thịt màu vàng đậm, ít xơ, giòn, ráo, vị ngọt đậm và thơm mát. Cây trưởng thành có thể cho từ 100 – 150 quả/cây.

Mít Thái lá bàng: đây là giống có tốc độ sinh trưởng nhanh, rễ cọc ăn sâu, rễ bàng phân bổ rộng rãi và dày đặc nên có khả năng chịu hạn rất tốt. Giống mít Thái lá bàng cho năng suất cao. Đây là giống mít trái vừa ngon, có vị ngọt và thơm thích hợp để sấy khô, hạt nhỏ, ít xơ, trái nhiều, to, vỏ mỏng. Cây mít Thái lá bàng trái thường phân bổ trên toàn thân, có chùm sai, một cây trưởng thành có đến hàng trăm trái, mỗi trái nặng từ 15 kg đến 20 kg. Loại mít này nhanh ra trái, chỉ sau 18 tháng trồng là mít cho trái bói. Vì nhanh cho trái, có thể làm thực phẩm công nghiệp qua việc sấy khô, có thể sinh trưởng tại những vùng đất xấu nghèo dinh dưỡng nên giống mít lá bàng được nhiều người chọn trồng.

Hạt mít chứa nhiều tinh bột, đây là một giải pháp an ninh lương thực một phần ở các nước phát triển.
Hạt mít chứa nhiều tinh bột, đây là một giải pháp an ninh lương thực một phần ở các nước phát triển.

Mít Thái Viên Linh: Có xuất xứ từ Thái Lan, dễ trồng và ít công chăm sóc, cây sinh trưởng phát triển nhanh, ít bị sâu bệnh, thích nghi với những vùng không bị ngập úng kéo dài, chịu hạn và phèn mặn trung bình. Cây bắt đầu cho trái từ sau khi trồng từ 2 đến 3 năm. Trái to, trọng lượng bình quân từ 7 kg đến 10 kg. Đặc biệt có trái đạt từ 15 đến 20 kg. Trái khi chín có màu xanh vàng, tương đối đồng đều, gai nở. Trái mít Viên Linh có hình dáng đẹp, chất lượng ngon và năng suất ổn định, độ dày vỏ 10 mm (mỏng), thịt trái có màu vàng tươi, đồng đều, vị ngọt và ít thơm, rất ít xơ, độ brix đạt 22,75 %, múi có chiều cao 8,3 cm, múi có độ dầy cơm 9,22 mm, tỉ lệ cơm đạt 50%. Thịt của trái khô, giòn, dai, ít nước, có thể sử dụng trong công nghệ chế biến ở dạng chiên chân không (mít sấy), đóng gói hoặc ăn tươi rất ngon, ít ngán. Mít cho trái quanh năm, thời gian từ khi trổ bông đến khi thu hoạch trái khoảng 3 đến 4 tháng.

Mít không hạt: có mùi vị thơm ngon, múi và xơ có màu vàng, độ dày múi đồng đều, bên trong múi không có hạt, cùi nhỏ, rất ít xơ, tỉ lệ phần ăn được trên 90%. Năng suất cao, trọng lượng trái trung bình 9-10 kg, trái lớn 13-15 kg. Khi chín vỏ trái có màu vàng xanh, quả cân đối. Cây con phát triển mạnh, cành mọc dày, phân bố đồng đều quanh thân chính, lá xanh bóng, lá non cuộn tròn tựa lá chè xanh, mép lá khi còn non có răng cưa rất rõ. Trái mít không hạt có vỏ mỏng, hàm lượng đường trong trái khi chín rất cao. Khi trái già vỏ có màu vàng xanh, gai nở, các đường chỉ xung quanh gai chuyển thành màu vàng sậm. Thời gian từ trồng đến cho trái là từ 1 đến 1 năm rưỡi, nếu điều kiện chăm sóc tốt đầy đủ dinh dưỡng và nước tưới, cây cho trái sau chỉ sau chưa đầy 1 năm.

Mít ruột đỏ: Là một giống mít của Thái Lan cho giá trị kinh tế rất cao do không chỉ có ưu điểm là lạ mắt (khi chín có màu như củ cà rốt) mà mít ruột đỏ còn rất ít xơ, múi to, cơm dày, thơm nhẹ, vị ngọt vừa phải nên được thị trường rất ưa chuộng. Bên cạnh đó, mít ruột đỏ cho trái rất to, bình quân mỗi trái nặng khoảng 10 kg, nếu được chăm sóc tốt trái có thể nặng tới 15 đến 17 kg. Cây mít ruột đỏ lớn nhanh, gỗ cứng, phù hợp với những vùng đất thịt pha cát, có khả năng chịu hạn tốt và rất ít bị sâu bệnh.

Ngoài ra, còn một số giống mít cho năng suất cao khác, được du nhập từ các nước nhiệt đới cũng đang được trồng ở Việt Nam.

Giá trị dinh dưỡng

Quả mít có rất nhiều dinh dưỡng và lợi ích
Quả mít có rất nhiều dinh dưỡng và lợi ích

Các dưỡng chất trong phần ăn được của quả mít bao gồm 74% là nước, 23% là carbohydrate, 2% protein và 1% chất béo. Thành phần carbohydrate chủ yếu là đường, đặc biệt mít chứa rất nhiều chất xơ. Trong 100 gram thịt quả, mít cung cấp 95 kcal, chiếm 20% nhu cầu năng lượng hàng ngày; với vitamin B6 là 25% nhu cầu. Mít còn cung cấp từ 10 đến 19% nhu cầu vitamin C và kali hằng ngày cho người trưởng thành. Ngoài ra, hạt mít là một giải pháp cho an ninh lương thực ở các nước đang phát triển.

Công dụng của quả mít

Nghiên cứu hiện đại đã chỉ ra rất nhiều tác dụng của mít với sức khỏe con người. Cụ thể như sau:

Phòng ngừa thiếu máu

Mít cung cấp nhiều chất sắt tham gia vào quá trình tạo máu, ngăn ngừa thiếu máu. Bên cạnh đó, một số thành phần khác trong mít như magie, đồng, niacin…cũng rất cần thiết cho hoạt động sản xuất, tái tạo máu của cơ thể

Ổn định nhịp tim và huyết áp, giảm cholesterol trong máu

Mít giàu khoáng chất có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là kali. Chất này đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe tim mạch và là thành phần được tìm thấy nhiều trong tế bào cũng như trong chất dịch của cơ thể. Khi được bổ sung đầy đủ kali, cơ thể bạn có khả năng giữ ổn định nhịp tim và huyết áp, đồng thời giảm lượng cholesterol dư thừa trong máu.

Thịt quả được ứng dụng trong rất nhiều món ăn, đặc biệt là các món ngọt
Thịt quả được ứng dụng trong rất nhiều món ăn, đặc biệt là các món ngọt

Cung cấp nguồn năng lượng dồi dào

Sở hữu nhiều đường fructose và sucrose tự nhiên, mít tạo ra nguồn năng lượng dồi dào cho cơ thể. Đối với các vận động viên, ăn mít giúp hồi phục sức khỏe nhanh chóng sau khi tham gia thi đấu thể thao. Lợi ích này cũng đạt được tương tự ở những người lao động tay chân nặng nhọc.

Phòng chống ung thư

Ăn mít thường xuyên có thể giúp ngăn ngừa ung thư. Lợi ích này có được là nhờ vào các thành phần như Isoflavones, saponins hay lignans.

  • Lignans: là một hợp chất hóa học tương tự như Estrogen. Nó hoạt động bằng cách chống oxy hóa, bảo vệ các tế bào trong cơ thể khỏi tác hại của các gốc tự do. Nghiên cứu cho thấy, Lignans có thể giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh ung thư vú, ung thư vú và ung thư tử cung ở phụ nữ. Nam giới được bổ sung chất này cũng có nguy cơ bị ung thư tuyến tiền liệt thấp hơn.
  • Isoflavones: Chất này cũng có tác dụng tích cực trong việc ngăn ngừa ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt.
  • Saponin: Chất này có khả năng kích thích tế bào bạch cầu hoạt động mạnh, đồng thời ức chế quá trình tăng sinh của các tế bào ác tính và tiêu diệt chúng. Nhờ đó phòng ngừa ung thư hữu hiệu.

Giúp xương khớp chắc khỏe: Hẳn nhiều người sẽ vô cùng ngạc nhiên khi biết rằng, mít còn nhiều canxi hơn cả sữa. Canxi là thành phần quan trọng của xương, răng và móng. Cơ thể được bổ sung đầy đủ canxi thì xương khớp mới chắc khỏe và giảm thiểu được nguy cơ mắc các bệnh lý như loãng xương, thoái hóa khớp, còi xương ở trẻ em. Ngoài canxi thì chất Lignans trong mít cũng giúp làm tăng mật độ của xương, làm khung xương chắc khỏe và có khả năng hoạt động tốt hơn.

Tốt cho hệ thần kinh

Phân tích thành phần hóa học của mít cho thấy loại trái cây này chứa hàm lượng niacin và thiamine vượt trội so với chuối và xoài. Đây là những dưỡng chất không thể thiếu cho sự phát triển của các tế bào thần kinh. Hơn nữa, thành phần canxi trong mít cũng tham gia thúc đẩy hoạt động của các dây thần kinh cơ, giúp ổn định tinh thần, ngăn ngừa giảm sút trí nhớ và suy nhược thần kinh ở người già.

Mít được biết tới như là loại quả nhiều công dụng cho sức khoẻ
Mít được biết tới như là loại quả nhiều công dụng cho sức khoẻ

Kích thích tuyến sữa

Đây là công dụng của mít được nhiều chị em phụ nữ sau sinh biết đến. Theo y học cổ truyền, mít non có tác dụng bổ tỳ, làm thông tuyến sữa. Phụ nữ bị gầy yếu, ít sữa sau sinh nên thường xuyên dùng các món ăn từ mít non.

Tốt cho hệ tiêu hoá, hỗ trợ ngăn ngừa viêm dạ dày

Mít chứa nhiều vitamin C và một số chất có đặc tính kháng viêm, diệt khuẩn. Nó giúp làm mau lành vết loét trong dạ dày cũng như các vấn đề khác ở đường tiêu hóa. Ngoài ra, vì giàu chất xơ. Nhờ vậy, loại trái cây này được ví như một phương thuốc nhuận tràng tự nhiên giúp thúc đẩy chức năng tiêu hóa, điều chỉnh nhu động ruột và ngăn ngừa các rối loạn như táo bón, khó tiêu.

Ngăn ngừa nám, tàn nhang, chống lão hóa da

Thành phần flavonoid trong mít là một chất chống oxy hóa tuyệt vời. Nó có khả năng ức chế sự phát triển của hắc sắc tố da melamin, đồng thời tiêu diệt các gốc tự do, làm chậm quá trình lão hóa. Nhiều người còn truyền tai nhau bí quyết làm đẹp da bằng cách nghiền nhuyễn hạt mít và đắp lên da 2 – 3 lần trong tuần.

Cải thiện hệ miễn dịch, phòng ngừa nhiễm trùng, cảm lạnh

Nguồn vitamin C tuyệt vời trong mít cũng giúp cải thiện khả năng hoạt động của hệ miễn dịch. Qua đó giúp cơ thể có khả năng chống đỡ hiệu quả khi bị virus, vi khuẩn tấn công.

Ngăn ngừa bệnh tim

Sở dĩ, mít có được công dụng này là nhờ chứa lượng vitamin B6 dồi dào. Loại vitamin này hoạt động bằng cách giảm lượng homocysteine – một chất có liên quan đến sự phát triển của bệnh tim, đồng thời bảo vệ các mạch máu và tế bào khỏi bị tổn thương, viêm nhiễm, ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch.

Nâng cao chức năng hoạt động của tuyến giáp

Khi được sử dụng, chất đồng trong mít được cơ thể hấp thu và tham gia vào quá trình sản sinh hormone. Điều này đảm bảo cho tuyến giáp hoạt động khỏe mạnh.

Mắt sáng hơn nhờ ăn mít

Mít chứa vitamin A, Beta-carotene, lutein zeaxathin. Những chất này đều rất cần thiết cho sức khỏe của đôi mắt. Chúng giúp chống oxy hóa, bảo vệ tế bào mắt khỏe sự tấn công của các gốc tự do, qua đó cải thiện thị lực.

Giá trị kinh tế của cây mít

Mít là một loài cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, nâng cao thu nhập cho người trồng. Hiện nay, nhiều mô hình nông nghiệp không hiệu quả đã được các sở ngành địa phương khuyến khích chuyển đổi sang mô hình trồng mít, kết hợp với việc bán trái tươi là mô hình sản xuất các sản phẩm từ mít trong chương trình mỗi xã một sản phẩm.

Giá trị kinh tế của mít là rất lớn, đặc biệt là ở các nước trồng nhiều mít như ở nước ta
Giá trị kinh tế của mít là rất lớn, đặc biệt là ở các nước trồng nhiều mít như ở nước ta

Giá mít theo mùa vụ, tuy nhiên vẫn đem lại lợi nhuận cao cho bà con do dễ trồng, dễ chăm sóc, sai trái, lại ổn định đầu ra. Hiện, mít Thái tại vườn được thương lái mua ở mức khá cao, dao động 15 – 16 ngàn đồng/kg, tùy vào chất lượng. Với mức giá ổn định như vậy, nông dân trồng mít cho thu nhập trên 350 triệu đồng/ha. Việc mở rộng quy mô trồng và nâng cao phương thức như áp dụng các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, đặc biệt là chứng nhận hữu cơ Organic như của Vinamit đang thực hiện là một hướng đi an toàn, bền vững cho loại cây trồng này.

Vùng phân bố

Mặc dù được cho là có nguồn gốc ở Ấn Độ và và Bangladesh nhưng hiện nay, loài cây này được trồng rất phổ biến ở nước nhiệt đới thuộc Châu Á, Châu Phi, Châu Úc và Nam Mỹ. Sản phẩm mít tươi có thể được tìm thấy tại các chợ thực phẩm Châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á như Philippines, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Campuchia và Bangladesh…

Các nước trồng nhiều mít ở Châu Á gồ có: Ấn Độ, Bangladesh, Nepal, Sri Lanka, Campuchia, Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, và Philippines…

Các nước trồng nhiều mít ở Châu Phi gồm có: Cameroon, Uganda, Tanzania, Madagascar, và Mauritius…

Các nước trồng nhiều mít ở Châu Mỹ gồm có: Brazil, Mexico và Jamaica…

Ở Việt Nam cây mít đã được trồng trên khắp mọi miền đất nước từ bao đời nay. Các tỉnh trồng mít nhiều nhất bao gồm: khu vực Tây Nguyên, Lâm Đồng, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long… Diện tích trồng mít tập trung và phân tán ở khu vực này hiện ước tính khoảng 50,000 ha và đang tiếp tục được đầu tư mở rộng.

Các sản phẩm từ cây mít và quả mít

Trên thị trường hiện tại, mít tươi được bán nhiều nhất do những lợi ích về cảm quan và giá trị dinh dưỡng mang lại. Tuy nhiên, để đa dạng hoá sản phẩm, tối đa hoá mức tiêu thụ các sản phẩm từ cây mít nói chung và quả mít nói riêng, chúng ta vẫn thường thấy các sản phẩm như: sinh tố, chè, kem,…mít sấy dẻo, mít sấy giòn (mít chiên chân không), mít đông lạnh IQF xuất khẩu. Các món ăn dân dã cũng xuất hiện mít như: nhút mít, gỏi mít, mít luộc,.., hay thậm chí là các món ăn sang trọng trong các nhà hàng cũng dùng mít làm nguyên liệu.

Mít chiên chân không là một loại sản phẩm đang rất được ưa chuộng
Mít chiên chân không là một loại sản phẩm đang rất được ưa chuộng

Rượu từ mít, bột từ hạt mít, thân mít dùng làm gỗ, đồ thủ công mỹ nghệ,…nói chung chúng ta đã tận dụng tốt và hầu như các giá trị từ cây mít mang lại trong đời sống hiện nay.

Lê Trần Quỳnh Trang – TTS VNO

Ý KIẾN CỦA BẠN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây
Captcha verification failed!
CAPTCHA user score failed. Please contact us!

BÀI VIẾT MỚI