Thứ Tư, 24 Tháng Tư, 2024
Trang chủKiến thức đời sốngDinh dưỡngTìm hiểu về Hạt điều và những sản phẩm được tạo ra từ loại hạt này

Tìm hiểu về Hạt điều và những sản phẩm được tạo ra từ loại hạt này

Tiếp nối những bài viết tìm hiểu về các nguyên liệu nông sản của Việt Nam trong ứng dụng tạo ra các sản phẩm có giá trị thương phẩm cao, hôm nay chúng ta hãy cùng nhau xem qua loại hạt ăn tuyệt ngon, mang lại giá trị kinh tế lớn cho người sản xuất và được dùng nhiều trong mùa Tết: Hạt điều. Toàn bộ cây điều từ quả, nhân điều và vỏ lụa đều có giá trị sử dụng cao.

Đặc điểm của Cây điều, hạt điều (cashew)

Cây điều – hay còn gọi là “đào lộn hột” (tên khoa học: Anacardium occidentale L.) có nguồn gốc xuất hiện ở vùng Đông Bắc Brazil. Cây mọc hoang dại trên các bãi biển và một số vùng đất hoang. Từ thế kỷ 16, cây điều được người Bồ Đào Nha mang đến trồng tại Ấn Độ, Malaysia và một số nước Đông Phi. Ngày nay cây điều là được trồng rộng rãi ở các nước nhiệt đới châu Á.

Cây điều một loại cây giá trị kinh tế lớn cho người trồng và sản xuất từ thân, lá, quả, nhân và hạt đều được dùng và mang lại hiệu quả cao
Trái điều

Cây điều tạo ra một loại quả mềm vỏ bóng và mọng nước, ở phía dưới treo lủng lẳng hạt một nhân đươc bọc trong lớp vỏ cứng màu xám. Bên ngoài nhân điều là lớp vỏ lụa và lớp vỏ ngoài rất cứng, giữa lớp vỏ cứng có chứa dầu phenolic không ăn được, còn được gọi là dầu vỏ hạt điều. Ngay sau khi thu hoạch, hạt điều thô được xử lý ngay sẽ giúp duy trì chất lượng và phẩm chất hạt.

Nông dân tách hạt điều thô ra khỏi quả điều và phơi khô dưới ánh nắng mặt trời. Ngày nay, các đồn điền lớn sử dụng các hệ thống sấy lớn hoặc máy sấy để sấy khô, tránh phụ thuộc và thời tiết. Những sản phẩm thô này được bán cho các nhà máy để chế biến ra nhân điều. Từ đây, nhân điều Việt Nam được xuất khẩu khắp các thị trường quốc tế, mang lại giá trị kinh tế cho bà con.

Cây điều một loại cây giá trị kinh tế lớn cho người trồng và sản xuất từ thân, lá, quả, nhân và hạt đều được dùng và mang lại hiệu quả cao
Hạt điều còn vỏ lụa

Vùng trồng phổ biến

Điều thường trồng ở những vùng có khí hậu nhiệt đới có vĩ tuyến từ 30 độ Bắc đến 30 độ Nam. Phổ biến lên tới 50 quốc gia và nơi trồng nhiều điều nhất là Ấn độ, Mozambich, Brazil, Malaysia, Sri lanka, Philipines, Tanzania, Nigieria, Kenya, Việt Nam.

Nước ta là quốc gia đang có sản lượng điều nhân xuất khẩu lớn nhất nhì trên thế giới. Vùng trồng phân bố ở các tỉnh phía Nam nhất là các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và có một số ít trồng ở miền Tây. Hiện nay các tỉnh có diện tích trồng điều lớn nhất gồm Bình Phước, Đồng Nai, Đắk Lắk, Bình Thuận và Bình Định.

Giá trị dinh dưỡng của hạt điều

Cây điều có giá trị kinh tế cao vì nhân điều chứa nhiều chất dinh dưỡng khác nhau, trong đó hàm lượng chất béo chiếm tới 44.9%, tinh bột chiếm 19,82%, đường là 13,48%, ngoài ra còn có chứa 2,49% là canxi, phospho sắt và các loại vitamin như B1, B2, D, E, PP,…

Nhân điều còn là nguồn cung cấp protein, carbohydrate và chất xơ lành mạnh, chứa nhiều vi chất và khoáng chất có lợi cho sức khỏe như phospho, đồng và magie, thường không tìm thấy trong các loại thực phẩm khác. Khoảng 80% chất béo trong hạt điều là chất béo không bão hòa, giúp duy trì hàm lượng cholesterol có lợi.

Cây điều một loại cây giá trị kinh tế lớn cho người trồng và sản xuất từ thân, lá, quả, nhân và hạt đều được dùng và mang lại hiệu quả cao
Nhân điều

Nhân điều cũng rất giàu các hoạt chất như tocopherols và phytosterols (hỗ trợ tăng cường khả năng oxy hóa và trao đổi chất trong tế bào). Hạt điều có tác dụng tốt cho hệ tim mạch, xương khớp. Ăn hạt điều mỗi ngày giúp giảm cholesterol, tốt cho não. Đây là món ăn dinh dưỡng phù hợp với mọi lứa tuổi từ người già, em bé, đến phụ nữ mang thai.

Các loại sản phẩm được chế biến từ hạt điều, quả điều

  • Nước ép quả điều được chế biến thành đồ uống tự nhiên và lên men giàu vitamin C, chất chống oxy hoá, khoáng chất và đường.
  • Phần thịt quả có thể được chế biến thành thạch, xi rô, kẹo trái cây và mứt.
  • Dầu vỏ hạt điều được sử dụng trong công nghiệp sản xuất chất bôi trơn, dầu vecni, xi măng, thuốc chữa bệnh, chất chống oxy hoá, và thuốc diệt nấm cùng nhiều công dụng khác.
  • Nhân điều được chế biến chủ yếu dưới dạng đồ ăn vặt/ăn nhẹ (snack) ở dạng hạt sống, rang/chiên, trộn muối hoặc tẩm gia vị.
  • Tại Ấn Độ, hạt điều cũng được sử dụng như một thành phần chính trong các món ăn ngọt, những món ăn truyền thống đặc sản và trong các công thức nấu ăn hàng ngày.

Các ngành sản xuất đang tích cực gia tăng sử dụng hạt điều làm nguyên liệu trong các công thức chế biến thực phẩm mới, điển hình như:

Cây điều một loại cây giá trị kinh tế lớn cho người trồng và sản xuất từ thân, lá, quả, nhân và hạt đều được dùng và mang lại hiệu quả cao
Một sản phẩm từ hạt điều
Lĩnh vực sản phẩm Ứng dụng của hạt điều
Kem Nhân điều vỡ và nhân điều nguyên hạt cắt nhỏ được sử dụng để rắc lên kem như một dạng topping sang chảnh
Bánh nướng Nhân điều vỡ được sử dụng để trải lên trên bánh nướng như bánh nướng quả khô
Bánh quy Nhân điều vỡ và hương liệu được sử dụng trong sản xuất bánh quy, phối hợp với các loại hạt khác
Kẹo/Mặt hàng ăn chơi (snack) Nhân điều được phủ các gia vị khác nhau, tạo nên các sản phẩm đa dạng như: điều chocolate, hạt điều wasabi, điều tỏi ớt, điều vị tiêu, điều sữa dừa, điều hành tỏi, điều da cá, hạt điều sữa, điều phô mai, điều yum thái, điều phủ các gia vị khác,…
Đồ ăn ngọt Được rắc lên trên hoặc làm đế (dạng bột) cho các loại đồ ăn ngọt
Nhà hàng/nấu ăn Bột điều thường được sử dụng để làm sánh (cô đặc) nước sốt cà ri
Đồ uống bổ dưỡng Nhân điều là một trong những thành phần dùng trong các loại đồ uống có lợi cho sức khỏe.
Nấu sẵn/ Ăn liền Nhiều công ty đang sử dụng nhân điều vỡ trong công thức làm bữa sáng ăn liền, các món ăn như Rava Idli, Upma, yến mạch, hay để nấu các các món ăn ngọt như Payasam. Nhân điều vỡ cũng được rắc lên trên các đĩa rau trộn (salad).

Kết luận

Như các bạn thấy đấy, hạt điều là một trong những loại nông sản ứng dụng khá rộng rãi trong rất nhiều sản phẩm thực phẩm khác nhau, không dĩ nhiên mà khi bạn dạo một vòng quanh các kệ hàng đồ hạt, các bạn sẽ bắt gặp sản phẩm từ hạt điều là nhiều nhất.

Phan Thị Tường Vi – TTS VNO

Ý KIẾN CỦA BẠN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây
Captcha verification failed!
CAPTCHA user score failed. Please contact us!

Cộng đồng Công nghệ Thực phẩm Việt Nam

BÀI VIẾT MỚI