Chủ Nhật, 6 Tháng mười, 2024
Trang chủAn toàn thực phẩmTìm hiểu về Ethylene oxide - chất gây hại phát hiện trong mì ăn liền

Tìm hiểu về Ethylene oxide – chất gây hại phát hiện trong mì ăn liền

Chất Ethylene oxide có hại cho sức khỏe con người và không được phép sử dụng trong thực phẩm phân phối tại Liên minh châu Âu (EU). Gần đây, Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) ra thông báo thu hồi một số lô sản phẩm mì ăn liền có xuất xứ từ nước ta có chứa Ethylene oxide. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về hợp chất này ngay sau đây nhé!

Chất ethylene oxide có hại cho sức khỏe con người và không được phép sử dụng trong thực phẩm phân phối tại Liên minh châu Âu.

Ethylene oxide là gì?

Đây là một hợp chất hữu cơ có công thức hóa học C2H4O. Mã CAS No: 75-21-8 (tên gọi khác: Alkene Oxide, Dimethylene Oxide, EO, ETO, Oxane, Dihydroxirene, Oxacyclopropane, Oxirane). Chúng có nhiệt độ hóa hơi tại 10.4°C.

Chất ethylene oxide có hại cho sức khỏe con người và không được phép sử dụng trong thực phẩm phân phối tại Liên minh châu Âu.
Mô phỏng cấu tạo của ethylene oxide

Tính chất

Ở nhiệt độ 25°C, Ethylene oxide là một khí không màu, có mùi ngọt đặc trưng của ete có thể cảm nhận khi nồng độ trong không khí đạt mức trên 500 ppm. Nó dễ tan trong nước, ethanol, dietyl ete và nhiều dung môi hữu cơ. Trong công nghiệp hợp chất này thường được sử dụng để sản xuất tổng hợp glycol ether hay ethylene glycol.

Độc tính gây ra khi tiếp xúc với cơ thể con người thông thường là kích ứng da, đau đầu, nôn mửa, khó thở, nếu tiếp xúc lâu có thể gây nguy cơ về tim, tê liệt, hôn mê.

Đây là loại khí có thể cháy nổ, thậm chí dung dịch chỉ 4% trong nước cũng có thể gây cháy. Bởi vậy khi chứa trong các bình thép lớn người ta thường nén thêm các khí trơ như CO2, N2 nhằm tạo thành hỗn hóa lỏng tại áp suất cao, để giảm khả năng cháy nổ.

Sử dụng Ethylene oxide nhằm mục đích gì?

Trong công nghiệp: Ethylene oxide chủ yếu được sử dụng để tổng hợp ethylene glycol, chất chống đông và polyester.

Trong y học: Ethylene oxide cũng được sử dụng trong bệnh viện để tiệt trùng dụng cụ y tế.

Trong ngành công nghiệp thực phẩm:

  • Một lượng nhỏ của nó được sử dụng trong thuốc trừ sâu diệt côn trùng. Một số quốc gia cho phép sử dụng trong mục đích kiểm soát côn trùng đối với một số sản phẩm nông sản.
  • Khử khuẩn bên ngoài thực phẩm, thường sử dụng ở các loại gia vị như: Tiêu, ớt, hành khô.

Ngoài ra, hợp chất này cũng là một thành phần trong sản phẩm dệt may, chất tẩy rửa, dung môi và chất kết dính,…

Các dạng chuyển hoá từ khi sử dụng Ethylene oxide cần biết?

Với cấu trúc dạng vòng linh hoạt, sau khi tiếp xúc với thực phẩm, hợp chất Ethylene oxide dễ dàng tạo thành các chất chuyển hoá với sự có mặt cùa các phân tử nước, ion clorua và bromua như ethylene glycol, 2-chloroethanol (2-CE) và 2-bromoetanol  tương ứng. Quá trình này có thể xảy ra ngay khi hun trùng hoặc trong quá trình suốt quá trình sản xuất và chế biến nguyên liệu.

Đối với 2-CE, sản phẩm phân huỷ của Ethylene oxide, hiện chưa có đủ bằng chứng nào về đặc điểm gây ung thư của 2-CE. Tuy nhiên, vẫn có nhiều thí nghiệm cho thấy khả năng gây độc ở gen. Hiện nay, các quy định về giới hạn dư lượng đối với tổng dư lượng của Ethylene oxide sẽ bao gồm hàm lượng của Ethylene oxide và cả của 2-CE.

Quy định hàm lượng Ethylene oxide như thế nào?

Hiện nay, mỗi quốc gia có quy định về hàm lượng Ethylene oxide khác nhau. Ở Châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc… trong đó có Việt Nam, chưa đưa ra quy định về hàm lượng Ethylene oxide trong thực phẩm.

Theo ASTA – Hiệp hội gia vị của Mỹ:

  • Dư lượng của Ethylene oxide, khi được sử dụng làm chất khử trùng sau thu hoạch trong hoặc trên các mặt hàng thực phẩm/gia vị như sau:
STT Sản phẩm Mức dư lượng tối đa (ppm)
1 Thảo mộc và gia vị khô, trừ húng quế 7
2 Rễ cam thảo 7
3 Bạc hà Á khô (ngọn) 7
4 Hạt mè 7
5 Bạc hà Âu khô (ngọn) 7
6 Rau khô 7
7 Quả óc chó 50
  • Dư lượng gồm cả lượng Ethylene oxide và 2-CE được quy định như sau:
STT Sản phẩm Mức dư lượng tối đa (ppm)
1 Thảo mộc và gia vị khô, trừ húng quế 940
2 Rễ cam thảo 940
3 Bạc hà Á khô (ngọn) 940
4 Hạt mè 940
5 Bạc hà Âu khô (ngọn) 940
6 Rau khô 940

Theo ESA – Hiệp hội gia vị Châu Âu, có thể sử dụng các sản phẩm có chứa Ethylene oxide để khử trùng những thứ khác ở EU, nhưng không sử dụng các sản phẩm thực phẩm. Luật EU quy định mức dư lượng tối đa sau đây đối với các sản phẩm ngành gia vị (EU tính lượng dư lượng tối đa là tổng lượng Ethylene oxide và 2-CE được biểu thị bằng Ethylene oxide):

STT Nhóm sản phẩm Mức dư lượng tối đa (ppm)
1 Gia vị (kể cả gừng sấy khô) 0,1
2 Các loại thảo mộc 0,05
3 Tỏi sấy khô, hành tây, ớt bột và cà chua 0,02

Chúng ta có thể tiếp xúc với Ethylene oxide qua những con đường nào?

Các con đường tiếp xúc chính của con người với Ethylene oxide là hít vào và nuốt phải, có thể xảy ra khi tiếp xúc nghề nghiệp, có thể do mua – sử dụng sản phẩm có chứa chất này hoặc có trong môi trường sống, làm việc.

Vì Ethylen oxide rất dễ nổ và dễ phản ứng, thiết bị được sử dụng để chế biến nó thường bao gồm các hệ thống khép kín và tự động hóa cao, giúp giảm nguy cơ phơi nhiễm nghề nghiệp. Bất chấp những biện pháp phòng ngừa này, công nhân và những người sống gần các cơ sở công nghiệp sản xuất hoặc sử dụng Ethylen oxide có thể tiếp xúc với nó thông qua khí thải công nghiệp không được kiểm soát. Người dân nói chung cũng có thể tiếp xúc với khói thuốc lá và sử dụng các sản phẩm đã được khử trùng bằng Ethylene oxide như các sản phẩm y tế, mỹ phẩm,…

Ethylene oxide gây hại thế nào?

Việc tiêu thụ thực phẩm có chứa Ethylene oxide không gây nguy hiểm cấp tính cho sức khỏe nhưng nếu tiêu thụ thực phẩm bị nhiễm hợp chất này trong một thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ gây hại sức khỏe.

Các nghiên cứu về nghề nghiệp tiếp xúc với Ethylene oxide đã cho thấy có sự gia tăng các trường hợp ung thư bạch cầu và ung thư vú ở phụ nữ. Một số nghiên cứu đã chứng minh đây là chất gây ung thư bạch cầu và các khối u ở não, phổi, mô liên kết, tử cung và tuyến vú ở động vật khi tiếp xúc qua đường hô hấp.

Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (Environmental Protection Agency, viết tắt: EPA) đã kết luận rằng Ethylene oxide là chất gây ung thư cho con người qua đường hô hấp tiếp xúc.

Tài liệu tham khảo
[1] U.S. Environmental Protection Agency. Evaluation of the Inhalation Carcinogenicity of Ethylene Oxide (CASRN 75-21-8) In Support of Summary Information on the Integrated Risk Information System (IRIS). National Center for Environmental Assessment, Office of Research and Development. Washington, DC. EPA/635/R-16/350Fa. 2016.
[2] Agency for Toxic Substances and Disease Registry (ATSDR). Toxicological Profile for Ethylene Oxide. U.S. Public Health Service, U.S. Department of Health and Human Services, Atlanta, GA. 1990.

Khắc Huy R&D VNO

Ý KIẾN CỦA BẠN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây
Captcha verification failed!
CAPTCHA user score failed. Please contact us!

BÀI VIẾT MỚI