Thứ Bảy, 20 Tháng Tư, 2024
Trang chủAn toàn thực phẩmLàm rõ nguyên nhân hoa quả "tươi mãi không héo"

Làm rõ nguyên nhân hoa quả “tươi mãi không héo”

Thời gian gần đây, lượng hoa quả, rau củ nhập khẩu từ các vùng biên ngày càng tăng. Tuy nhiên, điểm nổi bật mà nhiều người dân phản ánh là có những loại hoa quả như táo, lựu, đào, lê, nho… để vài tháng trong môi trường bình thường mà trái cây vẫn tươi, không bị hỏng.

Phóng viên đã theo đoàn công tác của Bộ Y tế đi kiểm tra để thấy được thực trạng và những khó khăn trong công tác kiểm nghiệm. Mới biết, để “đọc vị” những hóa chất được “tẩm ướp” trong hoa quả không đơn giản như nhiều người nghĩ…

Không đơn giản kiểm nghiệm là ra

Riêng tại Lạng Sơn, trong 8 tháng qua đã có hơn 235.670 tấn rau, củ, quả được nhập qua cửa khẩu với 21 mặt hàng như: bưởi, cà chua, dưa, hồng, khoai môn, lê, mận, quýt, táo, nấm, nho, rau xanh các loại… Nhập thì dễ nhưng kiểm soát chất lượng hoa quả nhập khẩu, trái cây ướp bảo quản, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thì rất khó khăn. Đoàn công tác cũng đã lấy 15 mẫu trái cây nhập khẩu từ Trung Quốc tại cửa khẩu Tân Thanh, chợ đầu mối ở Lạng Sơn để kiểm nghiệm hóa chất bảo quản.

Làm rõ nguyên nhân hoa quả "tươi mãi không héo"
Hoa quả được ngâm hóa chất sẽ lâu hỏng

Đúng như phản ánh của người dân về những loại hoa quả “không biết ôi, héo là gì”, PGS.TS. Phạm Xuân Đà – Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm Vệ sinh an toàn thực phẩm Quốc gia cũng thừa nhận: “Để thí nghiệm, tôi đã mua quả lê Trung Quốc để ở phòng làm việc, đến nay hơn 5 tháng cũng chưa hỏng. Tuy nhiên, để kiểm nghiệm quả lê này được dùng chất gì để bảo quản mà vẫn tươi mới là điều rất khó khăn, vì trang thiết bị còn lạc hậu có nhiều chất không thể phát hiện được”.

Cũng theo PGS.TS. Phạm Xuân Đà, hiện trên thị trường có hơn 2.000 loại chất bảo quản nhưng Viện mới chỉ kiểm nghiệm, phát hiện được khoảng 600 loại. Đáng nói là có nhiều hóa chất lạ rất khó phát hiện, thậm chí không tìm thấy trong quá trình kiểm nghiệm, nhiều chất không định danh được thì rất khó để giám sát. Liên quan đến việc này, Trung tâm Kiểm dịch y tế Quốc tế Lạng Sơn 3-4 năm trước cũng đã lấy mẫu trái cây được nhập khẩu từ Trung Quốc để kiểm nghiệm nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Các ngành chức năng quyết làm rõ

Từ vụ việc cơ sở thu mua chuối lớn nhất Tịnh Hà (huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) sử dụng hóa chất “lạ” để ngâm chuối bị phát hiện. Để đánh giá toàn diện về chất bảo quản và hóa chất bảo vệ thực vật trong trái cây nhập khẩu, Bộ Y tế đã chỉ đạo Cục ATTP lấy thêm nhiều mẫu trái cây tại các chợ đầu mối ở Hà Nội và các địa phương khác để kiểm nghiệm.

Việc lấy mẫu ở ngay tại cửa khẩu, chợ đầu mối và chợ dân sinh sẽ xác định được hóa chất bảo quản vượt ngưỡng là từ trước khi được nhập khẩu vào nước ta hay chính tiểu thương trong nước sau khi lấy hàng đã ngâm, tẩm hóa chất để bảo quản sản phẩm được lâu hơn. “Có thể do bên Trung Quốc, họ không tẩm hóa chất nhưng khi về nội địa, các cơ sở kinh doanh của Việt Nam lại tự mình sử dụng các loại hóa chất để đảm bảo cho hàng hóa, thực phẩm được giữ lâu mà chúng ta chưa phát hiện được mà điển hình mới đây là vụ ngâm tẩm hóa chất chuối ở Quảng Ngãi là một ví dụ. Như vậy, vô hình chung là tự người dân mình hại người dân mình”, ông Trần Quang Trung – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết.

Về phía Sở Y tế tỉnh Lạng Sơn, ông Hoàng Đình Hòa – Giám đốc Sở Y tế đề xuất, tại Lạng Sơn, hầu hết hàng hóa nông sản đều được nhập khẩu từ Trung Quốc, vì vậy, để làm tốt việc kiểm soát hóa chất bảo quản hoa quả nông sản có được đảm bảo an toàn trong ngưỡng cho phép hay không, các đơn vị có liên quan của tỉnh Lạng Sơn sẽ kiểm soát ngay từ đầu khâu nhập khẩu vào Việt Nam, lấy mẫu ngay từ cửa khẩu để kiểm nghiệm, tránh việc có thể không do phía Trung Quốc sử dụng hóa chất bảo quản mà khi nhập về phía Việt Nam, các cơ sở kinh doanh lại sử dụng hóa chất cấm để bảo quản, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Cục ATTP đã lấy mẫu ngẫu nhiên tại các chợ đầu mối lẻ để kiểm nghiệm, để tìm ra câu trả lời tại sao nhiều loại hoa quả như: đào, táo, lê… vài tháng vẫn tươi mới không hỏng. Tới đây, Cục ATTP và Viện Kiểm nghiệm Vệ sinh ATTP sẽ đề nghị phía Trung Quốc cung cấp các danh mục chất bảo quản, bảo vệ thực vật… không cấm, được cho phép sử dụng trong ngưỡng an toàn. Cùng với đó, chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN+3, Bộ Y tế sẽ trao đổi sâu về vấn đề này đối với phía Trung Quốc và mong muốn sự hợp tác, phối hợp trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khỏe của nhân dân hai nước.

Theo suckhoedoisong.vn

Ý KIẾN CỦA BẠN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây
Captcha verification failed!
CAPTCHA user score failed. Please contact us!

Cộng đồng Công nghệ Thực phẩm Việt Nam

BÀI VIẾT MỚI