Thứ Sáu, 3 Tháng Năm, 2024
Trang chủKiến thức đời sốngVi chất dinh dưỡng nếu cơ thể thiếu hụt gây ra những hậu quả gì?

Vi chất dinh dưỡng nếu cơ thể thiếu hụt gây ra những hậu quả gì?

Vi chất dinh dưỡng là những chất mà cơ thể chỉ cần với một lượng rất nhỏ (µg). Nhưng lại có vai trò rất quan trọng, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em. Nếu thiếu hụt có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho cơ thể.

Suy dinh dưỡng, chậm phát triển do thiếu kẽm

Kẽm tham gia vào cấu tạo của hơn 300 loại enzym trong cơ thể. Là một chất xúc tác cần thiết cho RNA polymerase. Đóng một vai trò quan trọng trong quá trình nhân đôi DNA và tổng hợp protein thúc đẩy quá trình tăng trưởng. Ngoài ra, kẽm còn đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường miễn dịch, giúp cơ thể chuyển hóa năng lượng và hình thành các tổ.

Thiếu kẽm làm trẻ chậm lớn, biếng ăn, giảm sức đề kháng hay mắc bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, suy dinh dưỡng, tiêu chảy và chậm phát triển chiều cao. Cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần, khiến bạn dễ nổi nóng. Một nghiên cứu từ Nhật Bản cho thấy thiếu kẽm làm trẻ dễ bị mắc bệnh tự kỷ. Thực phẩm chứa nhiều kẽm: lòng đỏ trứng, hến, sò, trai, lươn, ốc, củ cải, đậu tương (đậu nành).

Vi chất dinh dưỡng là những chất có vai trò rất quan trọng, nếu thiếu hụt có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho cơ thể.

Còi xương do thiếu canxi và vitamin D

Canxi có vị trí đặc biệt trong cơ thể, 98% canxi được tìm thấy ở xương và răng. Vì vậy canxi rất cần thiết cho trẻ có bộ xương đang phát triển. Thiếu canxi có thể dẫn đến còi xương ở trẻ em và loãng xương ở người lớn. Bệnh còi xương ở trẻ em chủ yếu là do thiếu vitamin D. Khi thiếu hụt sẽ làm giảm hấp thu canxi ở ruột, cơ thể sẽ huy động canxi từ xương vào máu, gây suy giảm quá trình khoáng hóa xương.

Các triệu chứng ban đầu của còi xương bao gồm trẻ quấy khóc, nôn trớ, hay ra mồ hôi trộm, ngủ không yên giấc, rụng tóc, thóp rộng và mềm, đầu to, mọc răng chậm, lồng ngực nhô cao, chậm ngồi, chậm đi, biến dạng xương ( chân vòng kiềng, chữ bát). Do biến dạng xương nên chiều cao của trẻ giảm đi. Thực phẩm giàu canxi: tôm, tép, cua, cá, sữa, phomai, rau muống, rau dền… Vitamin D có nhiều trong dầu gan cá, cá biển, gan và trứng.

Bướu cổ do thiếu hụt i-ốt

I-ốt là vi chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của cơ thể. Cần thiết cho sự tổng hợp hormon tuyến giáp, phát triển xương, duy trì thân nhiệt, quá trình biệt hóa và tăng trưởng, phát triển não bộ và hệ thần kinh trong thời kỳ bào thai. Khi cơ thể thiếu i-ốt, tuyến giáp hoạt động nhiều hơn để tổng hợp nhiều hormon tuyến giáp. Khiến tuyến giáp sưng to và gây ra bệnh bướu cổ, phụ nữ mang thai có thể bị sẩy thai, thai chết lưu, sinh non.

Trong trường hợp thiếu i-ốt nghiêm trọng, trẻ bị đần độn với tổn thương não vĩnh viễn khi sinh ra. Trẻ sơ sinh bị dị tật bẩm sinh như liệt tay chân, nói ngọng, câm, điếc, mắt lé. Trẻ thiếu iốt chậm phát triển trí tuệ, chậm lớn, nói ngọng, nói ngọng, học kém,… Nhu cầu iốt của trẻ em từ 90-120 mcg mỗi ngày. Thực phẩm giàu iốt bao gồm cá biển, rong biển, tảo, cải xoong,…

Thiếu Vitamin A và khô mắt

Vitamin A đóng một vai trò quan trọng, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Nó giúp trẻ tăng trưởng và phát triển bình thường, tăng cường miễn dịch, bảo vệ biểu mô giác mạc, da và niêm mạc. Nếu thiếu vitamin A có thể khiến trẻ chậm lớn, hay mắc các bệnh nhiễm trùng như tiêu chảy, viêm đường hô hấp. Nếu thiếu hụt nặng có thể gây khô, loét giác mạc, dẫn đến mù lòa.

Nhu cầu vitamin A ở trẻ từ 6 tháng-2 tuổi là 400 mcg/ngày, từ 3-5 tuổi là 500 mcg/ngày. Thực phẩm giàu vitamin A như thịt, gan, trứng, sữa, lươn, các loại rau có màu xanh đậm. Và trái cây có màu vàng và đỏ (cà rốt, gấc, bí ngô, xoài, đu đủ) rất giàu beta-carotene (tiền chất của vitamin A).

Thiếu máu dinh dưỡng do thiếu hụt sắt

Sắt là thành phần của huyết sắc tố. Tham gia vào quá trình vận chuyển oxy và có vai trò quan trọng trong quá trình hô hấp tế bào. Thiếu sắt gây thiếu máu, đây là tình trạng thường gặp ở trẻ em và phụ nữ mang thai. Nếu thiếu sẽ có các biểu hiện như da xanh, niêm mạc môi, lưỡi, mắt nhợt nhạt. Trẻ bị thiếu máu thì kém hoạt bát, học kém, khó tập trung, hay buồn ngủ. Và nếu bị thiếu máu nặng, trẻ thường bị viêm nhiễm đường hô hấp và mắc các bệnh nhiễm khuẩn.

Phụ nữ mang thai bị thiếu máu có nguy cơ sinh non. Và tăng tỷ lệ mắc bệnh cho mẹ và thai nhi. Các bà mẹ thiếu máu có nhiều nguy cơ sinh con nhẹ cân và dễ bị chảy máu khi sinh. Sắt được cung cấp cho cơ thể từ hai nguồn là thức ăn thực vật: đậu cô ve, đậu Hà Lan, rau lá xanh, mộc nhĩ, nấm đông cô,… Và thức ăn động vật: thịt bò, lòng đỏ trứng, lòng, gan, bầu dục, cá,… Để tăng cường hấp thụ sắt nên ăn hoa quả chín vì cung cấp nhiều vitamin C và không nên uống trà sau bữa ăn.

Tạm kết

Các nguồn vi chất dinh dưỡng có trong tự nhiên ở cả thực vật và động vật. Nâng cao chất lượng dinh dưỡng của bữa ăn cho bản thân và gia đình bằng cách tăng cường thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng là biện pháp tốt nhất để phòng ngừa thiếu vi chất dinh dưỡng.

Xuân Trần

Ý KIẾN CỦA BẠN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây
Captcha verification failed!
CAPTCHA user score failed. Please contact us!

Cộng đồng Công nghệ Thực phẩm Việt Nam

BÀI VIẾT MỚI