Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024
Trang chủKiến thức đời sốngDu lịch ẩm thựcThời tiết lạnh cuối năm đi ăn lẩu đặc sản

Thời tiết lạnh cuối năm đi ăn lẩu đặc sản

Thời tiết lạnh cuối năm, các món lẩu “nóng hổi vừa thổi vừa ăn” là lựa chọn số 1 cho người dân Sài Gòn. Những món như Lẩu thả Phan Thiết, Lẩu gà hấp hèm, Lẩu vịt om sấu, Lẩu riêu cua sườn sụn là những món làm mê mẫn thực khách khi thưởng thức. Cùng điểm qua những món lẩu đặc biệt này nhé!

Lẩu thả Phan Thiết

Đây là món ăn nổi tiếng của người dân Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Nguyên liệu chính của món lẩu này là các loại cá mai, cá thu, cá trích, cá đục, cá điêu hồng… thịt tươi, không có mùi tanh và cho vị ngọt khi ăn. Cá được làm sạch, lóc thịt phi lê rồi thái thành từng lát mỏng dính. Ngoài thịt cá, các nguyên liệu khác như thịt ba chỉ, trứng chiên được thái thành sợi vừa ăn. Lá xoài, dưa leo, khế, xà lách, rau thơm… được thái sợi nhỏ rồi xếp lên trên các bẹ bắp chuối nhìn rất đẹp mắt.

Thời tiết lạnh cuối năm đi ăn lẩu đặc sản
Lẩu thả Phan Thiết

Nước lẩu của món ăn là nước hầm xương cùng các phụ liệu khác như tôm tươi xay nhuyễn, cà chua bằm… vừa tăng vị ngọt thanh cho nước dùng, vừa giúp nước lẩu có màu đỏ tự nhiên đẹp mắt. Để thưởng thức món ăn này, thường có hai cách là dùng khô hoặc dùng nước. Dùng khô là cách thưởng thức đơn giản, chỉ cần cho bún tươi vào bát, cho các nguyên liệu ăn kèm lên trên, chan nước sốt vào trộn đều rồi thưởng thức. Tuy nhiên, với nhiều người thì món lẩu thả nước được ưa thích hơn vì thịt, cá… được thả vào trong nước dùng (có lẽ vì vậy nên món ăn có tên gọi là lẩu thả) vừa chín mềm, vừa nóng hổi lại có vị ngọt thanh dịu làm cho người ăn thích thú.

Lẩu gà hấp hèm

Tên món ăn khá đặc biệt và điều đặc biệt hơn nữa chính là vị chua thanh của nước lẩu được nấu từ hèm. Hèm chính là bã rượu, vẫn được tận dụng để làm thức ăn cho gia súc. Nhưng, từ thứ tưởng chừng bỏ đi đấy, người dân ở đây dùng làm nguyên liệu chính để chế biến nên món lẩu gà hấp hèm vừa thơm ngon vừa lạ miệng.

Thời tiết lạnh cuối năm đi ăn lẩu đặc sản
Lẩu gà hấp hèm

Trước khi nấu lẩu, lấy một lượng hèm vừa phải, vắt lấy nước, bỏ bã. Nước hèm để lắng, lọc lại một lần nữa để bỏ đi phần lợn cợn của bã hèm còn sót lại. Cho nước hèm vào nồi và đun sôi, nêm đường và các loại gia vị vừa ăn. Gà ta sau khi làm sạch, chặt thành từng lát vừa ăn, cho vào nồi, để lửa vừa cho đến khi thịt chín là được.

Rau ăn kèm chỉ có cải bẹ xanh, cải thảo và hành lá thái khúc. Thịt gà được nấu trong nước hèm nên chín mềm rất ngon, bên cạnh đó là vị ngọt của rau cải, vị chua thanh của nước lẩu rất vừa ăn và ngon miệng.

Lẩu vịt om sấu

Đây là món ăn đặc trưng của miền Bắc và ít bán ở Sài Gòn. Vịt và sấu là hai thành phần chính tạo nên món ăn này, ngoài ra còn có khoai môn, rau muống và mì chũ. Chế biến món ăn này không khó nhưng phải thể hiện được sự khéo léo của đầu bếp trong quá trình chế biến và nêm nếm thức ăn.

Thời tiết lạnh cuối năm đi ăn lẩu đặc sản
Lẩu vịt om sấu

Vịt để nấu món này là vịt cỏ, chọn con mập thịt và hơi già, để khi nấu cho vị ngọt, thịt dai và không bị hôi. Vịt được làm sạch, rửa lại với ít rượu trắng để khử mùi. Chặt vịt thành từng khúc vừa ăn, ướp với một ít gia vị rồi để thấm trong khoảng 30 phút. Đặt nồi lên bếp, khử thơm dầu rồi cho vịt vào xào sơ để thịt vịt săn lại. Sau đó cho nước vào xâm xấp mặt thịt (có nơi sử dụng nước dừa), cho khoai môn, sấu tươi đã cạo vỏ vào rồi đun sôi. Hạ nhỏ lửa để thịt chín mềm. Khi ăn, dằm sấu ra, nêm lại gia vị vừa ăn, có vị đậm đà chua nhẹ là được. Ăn kèm món này không thể thiếu rau muống và mì chũ.

Lẩu riêu cua sườn sụn

Món ăn là sự kết hợp của nhiều nguyên liệu như: riêu cua, thịt bò, sườn sụn, các loại rau, nấm và ăn kèm với bún tươi. Nước lẩu phải có màu vàng đỏ của gạch cua và cà chua, khi ăn có vị ngọt nhưng hơi chua, thơm ngon mà lại không bị nặng mùi của sườn sụn. Để làm được điều đó, người bán phải trải qua không ít công đoạn. Cua nấu lẩu phải là cua đồng xay nhuyễn lọc kỹ lấy nước, gạch cua để riêng. Cho ít muối vào nước cua rồi đun sôi, thịt cua nổi lên, vớt ra bát. Phi thơm đầu hành, cho cà chua vào xào sơ, tiếp đến cho gạch cua vào xào sơ rồi tắt bếp.

Thời tiết lạnh cuối năm đi ăn lẩu đặc sản
Lẩu riêu cua sườn sụn

Ngoài nước dùng, những khúc sườn sụn béo mềm cũng góp phần làm nên sự hấp dẫn cho món ăn. Bên cạnh đó, các thành phần ăn kèm như: thịt bò, chả cá, nấm kim châm, các loại rau muống, rau nhút, bắp chuối, xà lách… được để riêng ra đĩa. Khi nồi nước lẩu sôi, bạn chỉ cần cho các nguyên liệu còn lại vào và thưởng thức với bún tươi.

Foodnk Tổng hợp

Ý KIẾN CỦA BẠN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây
Captcha verification failed!
CAPTCHA user score failed. Please contact us!

Cộng đồng Công nghệ Thực phẩm Việt Nam

BÀI VIẾT MỚI