Thứ Tư, 24 Tháng Tư, 2024
Trang chủAn toàn thực phẩmNhững vụ thực phẩm giả gây chấn động thế giới

Những vụ thực phẩm giả gây chấn động thế giới

Hàng loạt các vụ thực phẩm giả bị phát hiện trong năm 2013 ở nhiều nước làm dấy lên những lo ngại về chất lượng an toàn thực phẩm trên khắp thế giới.

Bê bối việc làm giả thực phẩm cao cấp tại Nhật

Ngày 6/11, Chính phủ Nhật đã cảnh cáo các khách sạn, nhà hàng, cửa hàng thực phẩm không được “treo đầu dê, bán thịt chó” trong thời điểm vụ scandal làm giả thực phẩm cao cấp đang lan rộng. Vụ bê bối đã khiến người tiêu dùng Nhật mất niềm tin vào chất lượng thực phẩm.

Điểm lại những vụ thực phẩm giả gây chấn động thế giới 1Trong một nhà hàng Nhật ở Tokyo – Ảnh: Inside Japan

Trước đó, chuỗi siêu thị hạng sang Takashimaya thừa nhận nhiều năm qua đã bán tôm và nước cam mang nhãn hiệu cao cấp nhưng trên thực tế sử dụng nguyên liệu bình dân để sản xuất sản phẩm.

Ví dụ, Takashimaya dùng tôm hùm thông thường để sản xuất patê tôm thượng hạng nhãn hiệu Fauchon thay vì dùng tôm hùm Nhật rất đắt như quảng cáo. Sau khi Takashimaya thú nhận, báo Asahi đã cáo buộc chuỗi siêu thị này lừa dối người tiêu dùng.

Sau đó, hàng loạt khách sạn lớn, từ chuỗi khách sạn Hankyu Hanshin, Tokyu Hotels cho đến Hotel New Otani Kumamoto đều thú nhận nhà hàng của các khách sạn này đã dùng một số nguyên liệu bình dân thay vì nguyên liệu cao cấp trong các món ăn nổi tiếng, đắt tiền.

Một khách sạn ở Nara cũng thừa nhận đã sử dụng thịt bò Úc giả làm bò Kobe nổi tiếng.

Thịt ngựa giả thịt bò ở Châu Âu

Vụ scandal thịt ngựa giả thịt bò bị phanh phui vào tháng 2 cho thấy có hơn 10 nước châu Âu có dính líu đến vụ việc này. Ngoài nước được cho là nơi xuất phát của thịt ngựa giả thịt bò là Romania thì còn có 10 nước khác đã bị phát hiện có thịt bò giả trên thị trường.

Theo cơ quan chống gian lận thương mại của Pháp thì tổng cộng đã có 750 tấn thịt ngựa giả thịt bò bị đưa ra thị trường, trong đó 550 tấn dùng để chế biến thành khoảng 4,5 triệu sản phẩm thịt đông lạnh để bán ở 13 nước châu Âu. Những con số trên đủ cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề, nhất là khi các sản phẩm thịt ngựa giả thịt bò lại là những sản phẩm tiêu dùng hết sức thông dụng ở các nước châu Âu như sốt thịt bò Lasagne, Bolognaise dùng cho món mỳ Ý, hay thịt bò viên dùng làm nhân pizza, hamburger…

Có thể nói, scandal thịt ngựa giả thịt bò này là một cú sốc khá lớn với người tiêu dùng ở châu Âu bởi châu Âu vốn nổi tiếng là nghiêm ngặt về các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và người tiêu dùng châu Âu cực kỳ khắt khe với vấn đề vệ sinh thực phẩm và sức khỏe.

Điểm lại những vụ thực phẩm giả gây chấn động thế giới 2Tiến hành xét nghiệm sản phẩm có thịt ngựa

Theo các chuyên gia y tế và dinh dưỡng thì nếu thịt ngựa được dán mác thịt bò là thịt ngựa nguyên chất, thịt ngựa “sạch” thì không vấn đề gì bởi thịt ngựa cũng là loại thực phẩm có dinh dưỡng và được tiêu thụ nhiều ở châu Âu. Vấn đề là người ta nghi trong các loại thịt ngựa được cho là có nguồn gốc từ Romania này có các loại chất cấm có thể gây bệnh cho con người.

Các con ngựa bị giết thịt có thể trước đó là ngựa đua, ngựa chở hàng và thường được cho dùng chất kích thích để tăng sức khỏe. Sau đó, do Romania cấm ngựa chở hàng lưu thông trên đường nên chúng bị đưa vào các lò mổ để xẻ thịt rồi các hãng phân phối dán mác thịt bò mang đi tiêu thụ khắp châu Âu. Vì thế, scandal thực phẩm giả này cũng là một scandal lớn về vấn đề đạo đức.

Cá giả ở châu Âu và châu Á gây xôn xao

Vào tháng 2, dư luận thế giới lại xôn xao vì nghi vấn có hơn 1/5 sản phẩm cá đang được bày bán tại một số nước châu Âu bị gắn sai nhãn mác.

Trong tất cả các sản phẩm được kiểm tra tại Đức, 1/4 lượng cá bơn sao (loại cá dẹt có đốm hơi đỏ) gắn nhãn mác giả. Sản phẩm tôm ở Tây Ban Nha cũng không thoát khỏi tình trạng như vậy. Ngoài ra, tại Armenia, 1/3 sản phẩm cá là được chế biến từ các loại thực phẩm khác.

Theo báo Der Standard của Áo, hơn 1/5 các sản phẩm cá được bày tại một số nước châu Âu đã bị gắn sai nhãn mác.

Điểm lại những vụ thực phẩm giả gây chấn động thế giới 3Nghi án cá giả gây rúng động.

Không chỉ ở châu Âu, “trào lưu hàng giả” đã lan sang cả châu Mỹ. Tờ New York Times đưa thông tin, có tới 94% cá ngừ trên thị trường New York thực chất là cá hố bạc, chúng có thân hình giống lươn, nhưng dẹt và không có vẩy.

Tờ Forbes lại khẳng định 78% cá hồng không phải là… cá hồng. Oceana – một tổ chức phi lợi nhuận về bảo tồn đại dương – cho hay nhiều loại cá cũng được “tôn tạo” để trở thành những loài cá đắt tiền hơn.

Trước đó, tại Trung Quốc, nhà chức trách nước này đã phát hiện nhiều vi cá mập giả làm bằng gelatin nhân tạo, một số còn chứa chất độc cadmium và thủy ngân hàm lượng cao. Vi cá mập giả rất rẻ nhưng mỗi chén súp được bán với giá tới 1.000 nhân dân tệ (hơn 3 triệu đồng). Ngoài ra, khoảng 1/3 mẫu vi cá sấy khô chứa cadmium và thủy ngân, đều là các kim loại nặng cực độc.

Thịt cừu giả làm từ thịt chuột, hóa chất

Cảnh sát Trung Quốc vào tháng 5 đã triệt phá cơ sở làm giả 20.000 tấn thịt cừu rởm, chứa lẫn lộn thịt chồn, cáo, chuột.

Một người đàn ông bị cáo buộc trong vụ việc cho biết y nhập thịt cáo từ một trang trại nuôi chúng để lấy lông.

Người nông dân bán thịt cho nghi phạm để y chế biến thành thịt cừu. Vị giống thịt cừu và chi phí thấp là một trong những lý do thúc đẩy y phạm tội. Các nghi phạm khác cho biết thịt chuột cũng được sử dụng để chế biến thành thịt cừu giả.

Điểm lại những vụ thực phẩm giả gây chấn động thế giới 4Thịt cừu thái lát là món ăn khoái khẩu của người Trung Quốc trong mùa xuân.

Cảnh sát cho hay hơn 900 người bị bắt trong chiến dịch kéo dài ba tháng, và gần 400 vụ phạm tội liên quan đến thịt bị điều tra. Các sản phẩm thịt cừu giả đem lại lợi nhuận khoảng 1,6 triệu USD cho đầu mối bán hàng.

Trước đó, vào tháng 2, hơn 50 tấn thịt cừu giả chứa chất phụ gia gây ung thư đã bị phát hiện tại một nhà máy ở đông bắc Trung Quốc.

Toàn bộ số sản phẩm trên được tái chế từ thịt vịt, mỡ cừu cùng nhiều chất phụ gia khác tại Nhà máy Chế biến Thịt Shengtai, thuộc thành phố Liêu Dương, tỉnh Liêu Ninh.

Phân tích hóa học từ mẫu thử cho thấy những sản phẩm này có chứa nitrite, một chất gây ung thư, cao quá mức cho phép.

 

Theo Tri thức/Zing

Ý KIẾN CỦA BẠN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây
Captcha verification failed!
CAPTCHA user score failed. Please contact us!

Cộng đồng Công nghệ Thực phẩm Việt Nam

BÀI VIẾT MỚI